Để việc huấn luyện trở lên nhanh chóng và thực sự mang lại hiệu quả thì việc tuân thủ những nguyên tắc sau là điều rất cần thiết.

Những nguyên tắc bạn phải tuân thủ khi huấn luyện chó

1.Nguyên tắc bản năng

Chó chỉ là một con vật, nó thường làm theo những gì mà bản năng của nó mách bảo. Nhiệm vụ của chúng ta là phải hiểu biết thật rõ ràng về các đặc tính bản năng này, để có thể kích thích chó phát huy những đặc tính bản năng tốt và chỉnh sửa những hành vi bản năng không phù hợp với mục đích giáo dục chó của chúng ta.

- Ví dụ khi huấn luyện chó bảo vệ thì phải làm sao củng cố bản năng săn mồi, bản năng bảo vệ lãnh thổ của con chó, nhưng phải hướng nó đi theo cách mà chúng ta muốn, chứ không phải gặp ai cũng sủa, tháo xích là tấn công người.

- Còn khi giáo dục chó trở thành một một con vật cưng đáng yêu sống trong nhà, thì phải làm sao để nó bớt đi những hành vi bản năng hoang dại, hung dữ, nhưng vẫn không bị thui chột tính cách để trở thành một con chó nhút nhát, sợ sệt hoặc mất đi hoàn toàn bản năng nòi giống của nó.

Chính vì nguyên tắc bản năng này, trước khi đưa một con chó về nhà, bạn nên tự định hướng cho mình về giống chó mà bạn sẽ nuôi. Hãy chọn một giống chó có bản năng gần nhất với “hình mẫu” mà bạn muốn có cho bản thân mình. Ví dụ đừng chọn giống chó săn tha mồi cho mục đích bảo vệ, giữ nhà, cũng như đừng chọn chó chọi chỉ để làm bạn với lũ trẻ nhà mình.

Như vậy, việc dạy dỗ giáo dục chó là trách nhiệm của chính bạn ngay từ trước khi bạn đem chó về nhà, ngay từ ngày đầu tiên khi nó về với gia đình bạn, và kéo dài trong suốt thời gian nó sống bên bạn. Bản năng của chó đi theo nó suốt cuộc đời. Và bạn luôn luôn phải đồng thời làm hai việc: kích thích bản năng tốt phát triển và hạn chế các hành vi bản năng xấu.

2.Nguyên tắc Bầy Đàn

Chó là loài vật có bản năng sống theo bầy đàn, có trật tự rõ rệt. Động lực sống lớn nhất của chó là tuân thủ trật tự và giữ gìn sự hài hoà của cấu trúc bầy đàn. (Điều này cũng tương tự như con người chúng ta luôn mong muốn củng cố vị trí của mình trong xã hội, hài hoà với trật tự xã hội, giữ gìn sự ổn định của xã hội mà chúng ta đang sống, vì một lẽ là phá hoại trật tự xã hội thì sẽ bị xã hội đào thải).

Khi đưa con chó về với gia đình, tức là bạn đã tách nó ra khỏi bầy đàn của nó, đưa nó vào một “bầy đàn” mới, với các thành viên trong gia đình bạn : người thân, bạn bè và các con vật nuôi khác trong nhà. Ở “bầy đàn” mới này, hầu hết các thành viên, các quy tắc đều xa lạ với trật tự bầy đàn trước đó của chú chó con. Nhiệm vụ của bạn là dạy cho nó biết trật tự mới, các quy tắc bầy đàn mới mà nó phải tuân theo. Nếu không, nó sẽ cư xử theo nguyên tắc bầy đàn mà nó đã từng biết: cách cư xử của chó-với-chó và bạn sẽ phải trả giá cho những hành vi này của nó.

3.Nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau

Bạn cần xây dựng một mối quan hệ với chó cưng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Tình yêu thương thì tự nó đã có, nhưng sự tôn trọng của bạn dành cho con chó, mà nhất là sự tôn trọng của con chó đối với bạn chỉ có thể đạt được thông qua một thời gian dài, nhiều công sức làm việc vất vả. Con chó có thể rất yêu quý bạn, nhưng nó vẫn có thể lờ đi không nghe mệnh lệnh của bạn. Đó chính là vì nó chưa tôn trọng bạn đúng mức.

Đừng đàn áp con chó của bạn hay đối xử với nó như nô lệ. Nhất là tránh đánh đập ngược đãi nó. Hãy tôn trọng những yếu tố mang tính cách đặc thù của chó, cũng như những nhu cầu cơ bản của nó như ăn uống, đi vệ sinh, chơi đùa, gặm đồ vật. Chúng ta phải hiểu và tôn trọng những quyền đó của nó, tuy nhiên chúng ta sẽ can thiệp để ngăn chận nó không ăn tham, không ăn vụng, hay không gào rú hoặc sủa loạn lên khi thấy gia đình bạn ăn cơm mà nó chưa được ăn. Nó được quyền đi vệ sinh bất cứ lúc nào nó muốn, nhiệm vụ của chúng ta là hướng dẫn nó đi vệ sinh đúng chỗ. Nó được chơi đùa, nhưng ở sân chơi chứ không phải trong phỏng ngủ của chúng ta. Nó được gặm đồ, nhưng là đồ chơi chứ không phải giày dép hay sách vở.

Phải tạo cho nó có một niềm tin vào người chủ: sự công bằng, tình yêu thương và những nguyên tắc đặc thù của loài chó. Khi đó nó sẽ tôn trọng bạn. Đạt được sự tôn trọng và tin cậy rồi thì bạn có thể dạy nó hầu hết những gì bạn muốn nó làm.

4.Nguyên tắc kiên nhẫn

Dạy chó cần đặc biệt kiên nhẫn. Dù bạn sở hữu hàng đống tài liệu giá trị, hay đầy đủ các dụng cụ tập luyện, hay giao con chó của bạn cho một HLV đầy kinh nghiệm, bạn đừng nghĩ rằng con chó của bạn sẽ trở thành siêu sao chỉ sau một đêm.

Một số giống chó có khả năng học rất nhanh, nhưng cũng có những giống tỏ ra rất khó dạy bảo, cứng đầu. Chúng ta cần biết về tính khí của các giống chó khác nhau để có phương pháp dạy phù hợp.

Nếu bạn cố gắng dạy chó một điều gì đó mà nó không chịu hiểu, hoặc không chịu làm theo, hãy ngừng buổi tập luyện đó lại. Chuyển qua trò chơi khác. Hôm sau lại quay lại. Kiên nhẫn cho đến khi nó hiểu và thực hiện đúng. Chó không tư duy như người, nên đừng ép buộc nó phải hiểu ngay ý bạn. Bạn cũng đừng bao giờ nói rằng “Tôi cho rằng con chó đã hiểu điều đó”. Không thể nào đoán được nó đã hiểu hay chưa, mà chỉ có thể biết được khi tận mắt chứng kiến những điều chúng thực hiện đúng.

5.Nguyên tắc thường xuyên

Bạn nên dành một khoảng thời gian rảnh rỗi từ 15 đến 30 phút mỗi ngày để chơi với chó cưng, đồng thời dạy dỗ giáo dục nó.

Bất cứ ai không ôn tập đều có thể quên bài, vì vậy ôn tập đối với chó càng quan trọng hơn. Sau rất nhiều lần ôn tập thì chó sẽ hình thành thói quen, ghi nhớ những hành vi cần làm.

Thường xuyên dạy bảo ngay cả trong những lúc không phải là thời gian luỵên tập chính thức.

Chẳng hạn khi dắt chó từ trong nhà ra sân, bạn luôn nói “Ra !”. Luôn nói “Vào !” khi làm ngược lại. Sau một thời gian bạn chỉ cần nói “Ra !” là nó biết chạy ra sân mà không phải là chui vào bếp.

6.Nguyên tắc khen thưởng

Bạn cần khen thưởng mỗi khi con chó thực hiện đúng yêu cầu của bạn. Các hình thức khen thưởng có thể là thưởng thức ăn, đồ chơi, vuốt ve âu yếm hoặc chỉ đơn giản là một lời khen.

Để chó mau nhớ điều bạn dạy, cần khen thưởng đúng lúc, ngay khi nó vừa thực hiện xong. Có một phương pháp rất phổ biến ngày nay là “clicker training”. Mỗi khi con chó thực hiện đúng một yêu cầu, ta bấm nút một dụng cụ tạo ra một âm thanh (click), để đánh dấu cho chó biết: nó vừa thực hiện một hành vi đúng, rồi ngay lập tức khen thưởng nó. Lâu dần con chó sẽ hiểu, nếu nó thực hiện một số hành vi nhất định, nó sẽ được khen thưởng.

Tuy nhiên, việc áp dụng khen thưởng phải được tiến hành khéo léo. Không nên lạm dụng phần thưởng thức ăn trong khi giáo dục chó. Phải làm sao cho chó “tuân lệnh của bạn”, chứ không phải “tuân theo sự sai khiến của thức ăn”. Nếu không sau này, lúc không có đồ ăn để nhử, nó sẽ chẳng chịu làm gì cả.

Đối với chó con thì nên áp dụng thưởng đồ ăn, đồ chơi nhiều để kích thích nó học tập. Sau lớn dần, ta rút bớt đi chỉ còn vuốt ve hoặc khen ngợi bằng lời nói: “giỏi !”, “ngoan !” là đủ.

7.Nguyên tắc áp dụng kỷ luật

Kỷ luật kịp thời:

Bạn chỉ nên kỷ luật con chó khi bạn “bắt quả tang” nó đang làm hành vi sai trái. Không bao giờ được trừng phạt "nguội "con chó vì một lỗi đã xảy ra trước đó rất lâu. Ví dụ, bạn về nhà thấy nó đi vệ sinh sai chỗ, nhưng không biết từ lúc nào. Bạn mắng mỏ hay đánh đập nó là vô ích. Nó không hiểu vì sao bị phạt và bạn chẳng dạy được nó điều gì qua sự trừng phạt đó.

Kỷ luật ở nhiều mức độ khác nhau:

Các mức độ kỷ luật nên được xây dựng và áp dụng từ nhẹ đến nặng tuỳ theo mức độ của hành vi sai trái. Ví dụ: trèo lên giường cần kỷ luật ở mức độ 1 thì bới thùng rác ở mức độ 5 và gầm gừ trước một em bé, cần kỷ luật ở mức độ 10.

Ở đây, không có một công thức nào cho thang kỷ luật. Thang 1 đến 10 là tuỳ theo từng người chủ quyết định, cũng tuỳ theo từng giống chó. Con nào có cá tính mạnh mới chịu nổi mức trừng phạt nặng. Con chó bản tính nhút nhát, hoặc giống chó hiền lành, mà bị trừng phạt ở mức cao sẽ có thể bị thui chột tính cách.

Lần đầu tiên cứng đầu có thể phạt mức 2, thì ngay lần tiếp theo có thể tăng vọt lên mức 8 mà không cần qua 3,4,5… Điều đó chứng tỏ uy thế của bạn trong quan hệ với nó.Phải dạy cho nó nhớ rằng, một khi bất tuân lệnh là sẽ bị trừng phạt.

Hình thức kỷ luật tương ứng với mỗi nấc thang từ 1 đến 10 là do bạn tự chọn, nhưng tuyệt đối tránh các biện pháp gây đau đớn hoặc vô nhân đạo đối với con chó.

Công bằng trong khi áp dụng kỷ luật:

Trong khi dạy chó, chỉ kỷ luật nó khi bạn biết chắc rằng nó đã hiểu và có thể thực hiện đúng yêu cầu của bạn, nhưng nó không chịu thực hiện. Kỷ luật khi nó chưa hiểu, chưa biết cách thực hiện là không công bằng . Kỷ luật vào lúc đó chỉ làm hỏng mối quan hệ của nó với bạn mà thôi.

Nếu nuôi nhiều chó, khi một con chó bé xông đến ăn tranh với một con chó lớn và bị con kia sủa cảnh cáo, rồi cắn, bạn không thể trừng phạt con chó lớn được. Đơn giản là con chó bé đã vi phạm trật tự bầy đàn và đã bị con lớn trừng trị. Nếu bạn trừng trị con chó lớn thì nó sẽ mất lòng tin vào bạn ngay. Ở đây, nhân vật có lỗi chính là bạn vì đã không có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa việc giành ăn. Luật của loài chó không có chữ “nhường trẻ em” như chúng ta, tuy nhiên cũng có một số giống chó sẵn sàng nhường chó cái và chó con. Trường hợp đó không phổ biến.

Tương tự như khi khen thưởng chó, hãy làm sao để chó “tuân lệnh của bạn” chứ không phải bị “khuất phục bởi đòn roi, vòng siết cổ”. Có một số con chó chỉ tuân lệnh bạn khi bạn nắm xích trong tay còn nó thì đang ở trong vòng siết cổ. Lúc không có những cái đó, nó không coi bạn ra gì hết. Bạn kỷ luật nó, nó còn có thể quay lại cắn luôn cả bạn đấy.

Dùng giọng nói của bạn để dạy chó:

Ở một số nước (VN chẳng hạn) còn thiếu rất nhiều dụng cụ để dạy dỗ huấn luyện chó: chúng ta thiếu clicker, vòng cổ kỷ luật có gai (prong collar), vòng điều khiển từ xa (remote collar), vòng chống chó sủa (anti-barking collar), thậm chí đến một sợi xích chuyên dùng hay sợi dây da dùng trong luyện tập cũng không dễ kiếm, vậy thì có thể dùng giọng nói để điều khiển con chó là thích hợp nhất.

Hãy để ý phân tích kỹ điều này: trong đời sống thiên nhiên hoang dã, con vật nào càng to lớn, càng có uy lực thì âm thanh của nó phát ra càng có âm lượng lớn và âm sắc trầm. Voi, hổ, sư tử, tê giác đều có tiếng rống trầm đục, rất lớn và vang rất xa. Trong khi đó những con vật nhỏ thì phát ra âm thanh ở tần số cao hơn, âm lượng nhỏ hơn nhiều. Chó lớn cũng sủa trầm đục “uầng uầng” trong khi chó bé thì sủa “lách nhách”, giọng “the thé”

Hãy tận dụng điều này trong khi dạy chó, thay vì phải kiếm đầy đủ các dụng cụ phức tạp hoặc đánh đập chó bằng đòn roi.

Sau khi đã dạy chó hiểu tốt lệnh “Vào !” là thế nào, mỗi khi ra lệnh “Vào !” lần thứ nhất, bạn hãy nói bằng giọng bình thường, âm sắc vừa phải, không cần nghiêm khắc lắm. Nếu nó nghe lời, hãy khen thưởng nó ngay. Nhưng nếu nó không nghe lời, hãy nhắc lại lệnh “Vào !” một cách nghiêm khắc, với một âm sắc trầm hơn, âm lượng lớn hơn, có sắc thái mệnh lệnh hơn, để khiến nó phải tuân theo bạn. Nếu cần thì dứt khoát cầm dây dắt lôi cổ nó vào nhà. Nó sẽ hiểu ra rằng: nếu không tuân lệnh ngay từ lần đầu, khi bạn còn vui vẻ, thì nó sẽ bị “chỉnh huấn” một cách nghiêm khắc ngay lập tức.

8.Nguyên tắc nhất quán

Nhất quán về phương thức khen thưởng/kỷ luật:

Nếu bạn đã phạt nó về một hành vi nào, thì bất cứ khi nào nó tái phạm hành vi đó, nó cũng sẽ bị phạt.

Nhất quán về từ vựng khi dạy dỗ chó:

Bạn và các thành viên trong gia đình phải thống nhất với nhau những khẩu lệnh cho con chó. Ví dụ bạn đã dùng từ “ra” để dạy nó chạy từ trong nhà ra sân, thì bạn và cả nhà phải dùng từ “tránh” nếu bạn không muốn nó quấy rầy hay cản đường bạn khi ở trong nhà. Nếu bạn nói “tránh” mà người khác nói “ra”, con chó thông minh thì sẽ chạy ra sân, trong khi thực tế ta chỉ cần nó tránh đường là đủ. Đừng bắt con chó phải hiểu một từ theo “ngữ cảnh” khác nhau. Khả năng đó chỉ có ở con người mà thôi.

Nếu bạn muốn: kêu tên là nó phải chạy lại với bạn, thì tuyệt đối không được dùng tên để rầy la nó. Ví dụ bạn nhìn thấy nó đang bới đống rác, bạn nên la lên“Không ! hay No !” thay vì hét lên “ Weiko….....!” rồi chạy lại la rầy đánh mắng nó vì tội bới thùng rác. Nếu bạn thường hét “ Weiko………!” để la nó, nó sẽ gắn âm thanh đó với việc sắp bị la rầy trừng phạt. Sau này mỗi khi nghe tên, thay vì chạy lại với bạn, nó sẽ tìm cách chuồn thật xa để khỏi ăn đòn.